Miss Peregrine's Home for Peculiar Children – đậm chất “ma mị” phong cách Tim Burton

Miss Peregrine's Home for Peculiar Children – đậm chất “ma mị” phong cách Tim Burton

Miss Peregrine's Home for Peculiar Children có những nét hấp dẫn riêng để thu hút khán giả nhất là giới trẻ nhưng vẫn còn thiếu một chút đặc sắc để Tim Burton mơ về một thời kỳ hoàng kim của ông.



Cuốn tiểu thuyết Miss Peregrine’s Home for Peculiar Children của Ransom Riggs là một hiện tượng trên văn đàn thế giới từ năm năm trước. Đặc biệt, trong suốt 70 tuần truyện này đều xuất hiện trong danh sách bán chạy nhất ở hạng mục thiếu nhi trên tờ New York Times. Truyện là câu chuyện hấp dẫn về nhóm nhân vật nhí sở hữu hàng loạt khả năng dị biệt, nhiều tình tiết ma quái... Điều đó khiến Tim Burton - vị đạo diễn lừng danh với những bộ phim được đánh giá cao về chất lượng và luôn đậm chất ma mị như Alice In Wonderland, Abraham Lincoln: Vampire Hunter, Scissorhands hay Charlie And The Chocolate Factory… quyết định chuyển thể cuốn tiểu thuyết kỳ ảo lên màn bạc.
Phim kể về cậu bé 16 tuổi Jacob Portman (Asa Butterfield) tìm đến một hòn đảo ở xứ Wales theo lời của ông nội chỉ bảo trước khi qua đời. Tại đây, Jacob phát hiện ngôi nhà thần kỳ nơi ông nội từng sống trong Thế chiến thứ hai. Ngôi nhà này do cô giáo Peregrine (Eva Green) quản lý và nuôi dạy những đứa trẻ sở hữu năng lực kỳ lạ như sở hữu sức mạnh đáng kinh ngạc, khả năng tàng hình, bay lơ lửng trên không trung, điều khiển lửa… Họ cùng nhau sống mãi trong ngày 3 tháng 9 năm 1945 và không bao giờ già đi nhờ năng lực điều khiển thời gian của cô giáo. Những tưởng cuộc sống sẽ mãi yên bình đến vĩnh cửu nhưng không ngờ mọi thứ lại bị đe dọa  bởi quân đoàn Hồn Rỗng và Thây ma của ác nhân Barron.
Nếu bạn đã từng “lạc” vào thế giới phim đa đạng, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của Tim Burton hẳn bạn ấn tượng với màu phim “kinh điển” của vị đạo diễn đa tài này: những gam màu sắc lạnh ngay trên nền bộ phim màu sắc rực rỡ. Màu phim “kinh điển” này trải dài xuyên suốt nhiều bộ phim của ông, dù Sweeney Todd: The Demon Barber Of Fleet Street có tông màu xám xịt hay Alice In Wonderland rực rỡ sắc màu và bây giờ là Miss Peregrine’s Home for Peculiar Children với màu xanh lá chừng như lạnh lẽo nhưng hết sức hòa hợp với màu xám tông phim.



Nhằm tạo khác biệt với những phim cùng thể loại “dị nhân” hay những bộ phim dành cho thiếu niên chuyển thể từ tiểu thuyết, trong từng khung hình của bộ phim, Tim Burton đã mạnh dạn tạo nên sự hòa quyện tuyệt vời giữa chất ma mị và trào phúng, còn phần hình ảnh là sự phan lẫn giữa sắc màu rực rỡ và kinh dị nhưng đậm chất gothic. Lúc đầu, khán giả ấn tượng với phong cảnh xứ Wales với đồng cỏ mênh mông, bãi biển tuyệt đẹp như trải dài vô tận hay choáng ngợp với những gờ đá hiểm trở. Với tài năng “biến hóa” Tim Burton đã có chủ ý trong việc chuyển đổi tông màu phim để khắc họa niềm hạnh phúc, vui tươi, tại mái ấm “kỳ ảo” đúng như lời nhà văn Ransom Riggs mô tả là một “thiên đường bé nhỏ”: màu phim u ám, lạnh lẽo lúc Jacob ở hiện tại nhưng khi trải qua chặng đường dài tìm kiếm và đến được mái ấm “kỳ ảo” thì màu phim có tông sáng hơn, tươi tắn hơn. Cùng với âm nhạc của nhóm nhạc rock nước Anh là Florence and The Machine như gieo vào lòng người những xúc cảm đặc biệt, thắp lên những hy vọng về ngay mai tươi sáng, chốn bình yên của những đứa trẻ chỉ mong được sống yên lành.
Đạo diễn Tim Burton đã chọn hai ngôi sao kỳ cựu là Eva Green và Samuel L. Jackson vào vai hai nhân vật chủ chốt ở hai bên chiến tuyến. Tài tử da màu Samuel L. Jackson là đầu sỏ của quân đoàn đen tối với lối diễn xuất tinh tế khắc họa rõ sự châm biếm từ cử chỉ cho đến lời thoại thú vị.
“Nàng thơ nước Pháp” Eva Green lại là người mẹ, người cô với năng lực dị biệt của mình đã gây dựng nên một “mái ấm” tưởng chừng chỉ có trong cổ tích làm chốn náu nương cho của những đứa trẻ sở hữu năng lực kì dị. Trong phim, Eva Green xuất hiện rất ấn tượng, khiến người xem yêu từ cái nhìn đầu tiên với vóc dáng chuẩn, trang phục phong cách gothic đen tuyền, tao nhã mà không kém phần bí ẩn, nụ cười quyến rũ sắc sảo kèm theo chiếc nỏ để bật lên sự mạnh mẽ, tự tin sẵn sàng bảo vệ những đứa trẻ của mình. Nhân vật Peregrine hiện lên với phong thái điềm nhiên, quý phái qua diễn xuất của Eva Green tựa như phiên bản nữ của giáo sư Xavier trong X-men giúp cô chiếm trọn tình cảm của khán giả trong từng cảnh quay.
So với những miêu tả về nhân vật này trong truyện gốc thì tạo hình cũng như diễn xuất của Eva Green khiến nhân vật này nổi bật hơn rất nhiều. Nhất là trường đoạn nhân vật này điều khiển dòng thời gian, bằng trí tưởng tượng và sự sáng tạo vô tận, ekip làm phim đã tạo nên những chi tiết tương phản đầy thi vị trong cùng khung hình: đó là lúc thời gian ngưng đọng quanh những đứa trẻ đang đeo những chiếc mặt nạ chống độc, ngồi quay quần bên nhau, giữa bầu trời là những trái bom – biểu tượng của chiến tranh đang bất động hay những giọt mưa đang lửng lơ sát mặt đất mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể chạm được.
Với kinh nghiệm bằng vô số những bộ phim đậm chất ma mị trước đó, chẳng có gì khó để Tim Burton mang những “dị nhân nhí” từ sách sang phim một cách chân thật, sinh động nhất.



Hai nhân vật có nhiều đất diễn nhất là Jake Portman (Asa Butterfield)và Emma (Ella Purnell) khiến khán giả vô cùng thích thú. Đặc biệt, diễn viên Asa Butterfield khiến nhiều khán giả không khỏi kinh ngạc khi không còn là một cậu bé với đôi mắt xanh thăm thẳm, gương mặt thông minh pha chút thâm trầm trong Hugo hay Ender's Game xưa kia nữa mà thay vào đó là một Asa hoàn toàn trưởng thành, cao lớn, đĩnh đạc thể hiện khá tròn vai diễn của mình. Tuy nhiên, ý kiến cho rằng Asa chưa thật sự làm bật lên được cái thần thái như nhân vật trong sách hay chuyển biến tâm lý nhanh đến bất ngờ nên có cảm giác như Jake bị các nhân vật khác áp đảo dù họ chỉ là phụ.
Những “dị nhân nhí” đều được chăm chút kỹ lưỡng không chỉ về mặt tạo hình mà việc khắc họa năng lực siêu nhiên trong bối cảnh vùng đồng quê thanh bình của nước Anh đều mang màu sắc kinh dị đúng phong cách Tim Burton: cảnh chàng trai níu giữ sợi dây cột vào thắt lưng cô bé trong bộ đầm xanh biếc bay bồng bềnh giữa không trung như cánh diều, cậu bé có khả năng chiếu giấc mơ như máy chiếu phim hay phim khéo léo đan cài yếu tố du hành thời gian…Và phong cách kinh dị càng thể hiện rõ nét hơn khi ác nhân Barron và quân đoàn ma quái xuất hiện, tuy không có nhiều cảnh máu me do phim gắn mác PG-13 nhưng Tim Burton vẫn khiến khán giả rờn rợn với cách tạo hình những con quái vật khá gớm ghiếc hay cảnh ăn mắt ngườ. Ngoài ra vị đạo diễn tài ba này còn cho thấy khả năng trào phúng đặc trưng sự đan xen giữa tiếng cười và nỗi sợ hãi từng xuất hiện ở Sleepy Hollow, Corpse Bride hay Frankenweenie nay lại thành công trong Miss Peregrine’s Home for Peculiar Children: khán giả càng ghê sợ với tạo hình kỳ quái của Hồn rỗng bao nhiêu thì lại cười nghiêng ngã bấy nhiêu trong trận chiến giữa Hồn rỗng và binh đoàn xương. Chính sự sáng tạo này khiến phim hay và hấp dẫn hơn truyện trong đoạn về cuối.


Tờ Publisher Weekly từng hào phóng khen tặng Miss Peregrine’s Home For Peculiar Children là một bộ phim “thi thú, lập dị một cách nổi trội nhờ các tuyến nhân vật được phát triển hợp lý, một vùng đất Cairnholm giả tưởng nhưng rất chân thật của xứ Wales cùng những quái vật thực sự đáng sợ”.
Tuy nhiên, phim vẫn có những hạt sạn nhỏ nên chưa thể trở nên hoàn hảo. Giá mà kịch bản phim đừng quá nặng về các chi tiết giải thích mà chú trọng hơn việc phát triển tâm lý nhân vật thì phim sẽ có chiều sâu hơn, các nhân vật với các dạng năng lực khác nhau nhưng tính cách không nổi bật hay tuyến phản diện dù được giới thiệu rất “khủng” nhưng lại xuất hiện nhạt nhòa trong thời lượng phim ít ỏi. Ngoài ra, nhịp phim nhanh, không đồng điệu, chưa tạo được kịch tính nên phần kết khá dễ đoán...
Miss Peregrine's Home for Peculiar Children có những nét hấp dẫn riêng để thu hút khán giả nhất là người trẻ nhưng bộ phim này vẫn còn thiếu một chút đặc sắc để Tim Burton mơ về một thời kỳ hoàng kim của ông.

Xem thêm:

Comments